Thành công thường đến từ những ý tưởng rất bình thường nhưng ít ai nghĩ đến. Một doanh nhân trẻ tên là Quek Siu Rui người Singapore đã thành công và trở nên rất nổi tiếng nhờ việc lập một “chợ trời” chuyên mua bán đồ cũ trên mạng.
Nỗi thống khổ mang tên đồ cũ
Có thể nói, đồ cũ chính là nỗi phiền toái đối với những tín đồ nghiện mua sắm. Trong thời buổi vật chất thừa mứa, mặc dù nhà đã chật và không còn chỗ để chứa thêm thứ gì, nhiều người vẫn có sở thích mua thêm, mua thêm… hàng trăm những món đồ chưa cần thiết.
Với phụ nữ, có thể đó là một chiếc váy mới, một đôi guốc đính hạt sang chảnh mà họ chỉ mặc một lần rồi vứt vào tủ. Còn với nam giới, một bộ dụng cụ tập gym mới cáu nằm chễm chệ trong phòng rất quen thuộc, mặc dù số lần họ đụng đến chỉ được tính trên đầu ngón tay.
Đồ đạc cứ ngày này qua ngày khác được chất như núi, để rồi cuối cùng, gia chủ buộc lòng phải mang những món đồ còn mới cóng vứt vào sọt rác nào đó.
Nhìn thấy hàng hóa bị lãng phí một cách vô tội vạ, một sinh viên người Singapore đã quyết định đã tạo một ứng dụng để cứu lấy những món đồ cũ trên và giải quyết bài toán mua bán đồ cũ cho hàng triệu người tại châu Á.
Ứng dụng đó có tên là Carousell. Một ứng dụng với các tính năng đơn giản nhưng đã tạo điều kiện cho hơn 50 triệu giao dịch thành công và hơn 140 mặt hàng được bán mỗi phút. Carousell đã trở thành ứng dụng điện thoại hàng đầu châu Á chuyên về lĩnh vực mua bán đồ cũ.
Cho đến thời điểm hiện tại, Carousl đã trở thành công ty kinh doanh trực tuyến hàng đầu châu Á. Carousell đã nhận được 126,8 triệu USD tài trợ từ các ngân hàng và các quỹ đầu tư mạo hiểm như DBS và Sequoia Capital. Đằng sau sự thành công của Carousell là Quek Siu Rui, một sinh viên chuyên ngành điện tử người Singapore.
Lời hẹn ở thung lũng Sillicon
Khi còn là một du học sinh ở trường đại học Stanford – Mỹ, Quek Siu Rui đã cùng 2 người bạn gốc Việt Marcus Tan và Lucas Ngoo hẹn rằng sau này nếu có cơ hội, họ sẽ hợp tác làm ăn chung.
Sau hơn 2 năm học tập và làm việc tại thung lũng Sillicon đã giúp Quek Siu Rui chứng kiến các khả năng vô tận mà công nghệ hiện đại có thể làm. Cũng trong thời gian sống tại Mỹ, cậu đã tìm hiểu về các trang bán hàng trực tuyến, đặc biệt là eBay. Xem cách người Mỹ mua bán những món đồ cũ mà họ không sử dụng đến.
eBay là giải pháp tuyệt vời để người dùng có thể thanh lý những món đồ cũ không dùng đến một cách hiệu quả. Tuy nhiên, theo Siu Rui, thao tác thực hiện việc mua bán đồ cũ trên nền tảng này khá phức tạp. Ngoài ra, eBay còn hạn chế ở các nước châu Á và không phù hợp với các đặc trưng văn hóa nơi đây.
Đến năm 2012, Siu Rui đã hoàn thành 2 năm du học và trở về nước. Cậu thành lập công ty khởi nghiệp kinh doanh đồ cũ trực tuyến Carousell. Cậu đã liên lạc với những người bạn cũ năm xưa về làm việc cho Carousell. Cả 3 người đã cùng tạo ra ứng dụng điện thoại Carousell và phát hành trên các nền tảng trực tuyến như CH Play và App Store.
“Chợ trời” mua bán đồ cũ trên mạng
Theo lời của Siu Rui, cả cậu, Marcus và Lucas đều là tay mơ. Họ phải tìm hiểu hàng trăm kiến thức khác nhau về lập trình ứng dụng. Phải mất đến 3 tháng họ mới có được phiên bản đầu tiên của ứng dụng Carousell.
Phiên bản đầu tiên của Carousell tận dụng các tính năng quen thuộc của điện thoại như chụp ảnh, nhắn tin để hợp thức hóa quy trình giao dịch trực tuyến. Người bán chỉ cần thực hiện 2 bước: chụp hình và liệt kê và đã có thể đăng mặt hàng họ muốn bán. Toàn bộ quá trình đăng tải chỉ mất chưa đến 30 giây.
Người bán và người mua có thể trò chuyện trực tiếp qua tính năng của ứng dụng mà không cần phải gửi email qua lại. Thao tác sử dụng cực kỳ đơn giản! Người dùng trên ứng dụng Carousell có thể lập danh sách các món đồ mà họ đang cần đến và chia sẻ đến những người dùng khác. Bằng cách này, cộng đồng có thể tạo nên một mạng lưới chợ đồ cũ trên mạng.
Mục đích ban đầu mà Siu Rui hướng đến không hoàn toàn hướng đến kinh doanh. Cậu muốn truyền cảm hứng cho mọi người tiêu dùng trên toàn thế giới chia sẻ, cho đi những món đồ cũ mà họ không còn dùng đến. Những món đồ cũ sẽ lần lượt được mua bán liên tục cho đến khi chúng không còn giá trị sử dụng. Điều này tạo nên một chuỗi vòng tuần hoàn liên tục và giảm bớt sự lãng phí”.